Tạo tiền đề cho doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển

Tạo tiền đề cho doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển

Viễn cảnh trở thành một “Trung tâm chế tạo mới của thế giới” đối với Việt Nam không dể thực hiện, song nếu có sự thay đổi từ tư duy quản lý đến ý thức tự vươn lên của DN cơ khí nội địa… thì thị trường CNHT trong nước sẽ được mở rộng, tạo tiền đề để DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, trong những năm gần đây, ngành cơ khí cũng đang có sự phát triển theo hướng hiện đại.

Việt Nam hiện có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp (DN) cơ khí, chiếm 30% số DN chế biến, chế tạo và đang từng bước làm chủ công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện ngành cơ khí Việt Nam đang tập trung vào các thế mạnh như xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Bên cạnh những thành tựu về chế tạo thiết bị thủy công, chế tạo giàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại, cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách… Trong đó phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công, Thaco…

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất máy móc, thiết bị của cả nước tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 6/2021, chỉ só sản xuất của ngành này tăng 15,3% so với tháng 5/2021 và tăng mạnh 47% so với tháng 6/2020.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí chế tạo đạt sản lượng cao trong 6 tháng đầu năm nay gồm có: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu… Các địa phương có sản lượng cao gồm có: Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Hà Nội…

Nhiều sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo có sản lượng 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W tăng 18,53%; tổ máy phát điện khác tăng 15,83%; động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều tăng 9,27%; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu tăng 7,35%; máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA tăng 6,87%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng giảm là: Máy biến đổi điện quay giảm mạnh 78,71%; máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA giảm 2,45%.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân DN đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến các DN cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các DN FDI đảm nhiệm. Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều DN cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng đang khiến cho các DN ngành cơ khí lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Đơn hàng cho các DN bị giảm, việc mua bán vật tư thiết bị bị kéo dài thời gian, tăng cước vận chuyển khoảng trên 30%. Với các sản phẩm xuất khẩu, thủ tục xuất cảnh cho các chuyên gia đi lắp đặt, bàn giao sản phẩm mất nhiều thời gian, tốn thêm kinh phí… Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành của Chính phủ do nhiều lý do mà các DN rất khó khăn khi tiếp cận.

Trước những khó khăn thực tại của ngành cơ khí, ngoài nỗ lực của DN nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định để DN cơ khí phát triển bền vững. VAMI cũng đã có những kiến nghị lên Chính phủ nhằm có những chính sách phù hợp thúc đẩy ngành cơ khí trong thời gian tới.

Theo đó, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo mà Việt Nam đang phụ thuộc nước ngoài. Tạo đơn hàng từ các dự án trong nước như các dự án cần bóc tách phần trong nước có thể thực hiện để đấu thầu trong nước cho cả phần đầu tư công và chủ đầu tư tư nhân trong nước. Tiếp tục hỗ trợ thuế trước bạ để phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp phụ trợ. Đồng thời trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cần giảm các điều kiện đã ban hành để gói hỗ trợ có thể đến được DN và phát huy hiệu quả; giãn thuế, giảm thuế, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ việc nội địa hóa đặc biệt trong Luật Đấu thầu; có chính sách hỗ trợ DNNVV đặc biệt là việc tạo điều kiện cho các DNNVV có được đất đai xây dựng nhà máy…

Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 – 60 tỷ USD, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy…. Đây là cơ hội lớn cho ngành cơ khí tận dụng những lợi thế, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Song để phát huy được vai trò của DN trong nước vào những đại dự án, các chuyên gia cho rằng, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án, để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.

Hiệp hội CNHT Việt Nam cũng nhận định, DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước ưu thế hơn khi xuất khẩu, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trước thực trạng về trình độ, năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kế DN ngành cơ khí còn hạn chế thì cần thiết phải có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… giúp DN thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa DN cơ khí trong nước và DN FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng cho DN cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.

Nguồn Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.